Chiến lược chuyển đổi số quốc gia trong cơ quan, nhà nước

Trong thời đại công nghệ số, không chỉ các doanh nghiệp cần theo kịp bước tiến của thời đại, các cơ quan nhà nước cũng cần chuyển đổi số để vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu. Vậy chương trình chuyển đổi số quốc gia là gì, có gì đặc biệt ở chương trình chiến lược chuyển đổi số quốc gia?. Hãy cùng MATE tìm hiểu về đề án chuyển đổi số trong cơ quan nhà nước trong bài viết dưới đây!

I. Chương trình chuyển đổi số quốc gia là gì?

Ngày 22 tháng 4 năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 505/QĐ-TTg lấy ngày 10 tháng 10 hằng năm là Ngày Chuyển đổi số quốc gia. Đây là một ngày ý nghĩa với công cuộc chuyển đổi số tại Việt Nam.

Theo đó, Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, mở rộng.

Chương trình chuyển đổi số quốc gia hướng đến chính phủ số, doanh nghiệp số

Chương trình Chuyển đổi số quốc gia nhằm mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu, với một số chỉ số cơ bản cụ thể như sau:

  1. Chuyển đổi Số Quốc gia (NCSI – National Digitalization Score): Đây là một chỉ số kết hợp bao gồm: đo lường mức độ phát triển của chuyển đổi số ở một quốc gia dựa trên các chỉ số con như: cơ sở hạ tầng kỹ thuật, môi trường kinh doanh, và sự tham gia của người dân.
  2. Chuyển đổi Kỹ thuật số (DCI – Digital Readiness Index): Đánh giá khả năng của một quốc gia thích nghi với cuộc cách mạng số hóa. Nó tập trung vào yếu tố cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, sự thúc đẩy và môi trường kinh doanh.
  3. Phát triển Kỹ thuật số Thế giới (GDI – Global Digital Development Index): Chỉ số này đo lường mức độ phát triển kỹ thuật số ở các quốc gia dựa trên các yếu tố kỹ thuật số, kinh tế số và xã hội số.
  4. Kết nối Toàn cầu (GCI – Global Connectivity Index): Chỉ số này tập trung vào mức độ kết nối mạng và cơ sở hạ tầng kỹ thuật số của các quốc gia.
  5. Đổi mới Kỹ thuật số (DMI – Digital Maturity Index): Đánh giá mức độ phát triển kỹ thuật số dựa trên khả năng vận dụng và thích nghi với các công nghệ số hóa trong nhiều lĩnh vực kinh tế và xã hội.

Các chỉ số này giúp cung cấp cho Cơ quan nhà nước và Chính phủ cái nhìn tổng quan về tình hình chuyển đổi số ở quốc gia và thúc đẩy sự cải thiện trong các lĩnh vực liên quan đến cuộc cách mạng số hóa.

II. Mục tiêu chính của chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025

a) Phát triển Chính phủ số, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động

  • 80% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động;
  • 90% hồ sơ công việc tại cấp bộ, tỉnh; 80% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 60% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước);
  • 100% chế độ báo cáo, chỉ tiêu tổng hợp báo cáo định kỳ và báo cáo thống kê về kinh tế xã hội phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu số trên Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ;
  • 100% cơ sở dữ liệu quốc gia tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử bao gồm các cơ sở dữ liệu quốc gia về Dân cư, Đất đai, Đăng ký doanh nghiệp, Tài chính, Bảo hiểm được hoàn thành và kết nối, chia sẻ trên toàn quốc; từng bước mở dữ liệu của các cơ quan nhà nước để cung cấp dịch vụ công kịp thời, một lần khai báo, trọn vòng đời phục vụ người dân và phát triển kinh tế xã hội;
  • 50% hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý;
  • Việt Nam thuộc nhóm 70 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử (EGDI).

b) Phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế

  • Kinh tế số chiếm 20% GDP;
  • Tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%;
  • Năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 7%;
  • Việt Nam thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về công nghệ thông tin (IDI);
  • Việt Nam thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về chỉ số cạnh tranh (GCI);
  • Việt Nam thuộc nhóm 35 nước dẫn đầu về đổi mới sáng tạo (GII).

c) Phát triển xã hội số, thu hẹp khoảng cách số

  • Hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ trên 80% hộ gia đình, 100% xã;
  • Phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại di động thông minh;
  • Tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử trên 50%;
  • Việt Nam thuộc nhóm 40 nước dẫn đầu về an toàn, an ninh mạng (GCI).

Mục tiêu chính của chương trình chuyển đổi số quốc gia

III. Mục tiêu chiến lược của đề án chuyển đổi số quốc gia đến năm 2030

a) Phát triển Chính phủ số, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động

  • 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động.
  • 100% hồ sơ công việc tại cấp bộ, tỉnh; 90% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 70% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước).
  • Hình thành nền tảng dữ liệu cho các ngành kinh tế trọng điểm dựa trên dữ liệu của các cơ quan nhà nước và hạ tầng kết nối mạng Internet vạn vật (IoT), kết nối, chia sẻ rộng khắp giữa các cơ quan nhà nước, giảm 30% thủ tục hành chính; mở dữ liệu cho các tổ chức, doanh nghiệp, tăng 30% dịch vụ sáng tạo dựa trên dữ liệu phục vụ người dân, doanh nghiệp.
  • 70% hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý.
  • Việt Nam thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử (EGDI).

b) Tiềm năng kinh tế số và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế

  • Kinh tế số chiếm 30% GDP;
  • Tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 20%;
  • Năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 8%;
  • Việt Nam thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu về công nghệ thông tin (IDI);
  • Việt Nam thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu về chỉ số cạnh tranh (GCI);
  • Việt Nam thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu về đổi mới sáng tạo (GII).

c) Phát triển xã hội số, thu hẹp khoảng cách số

  • Phổ cập dịch vụ mạng Internet băng rộng cáp quang;
  • Phổ cập dịch vụ mạng di động 5G;
  • Tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử trên 80%;
  • Việt Nam thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu về an toàn, an ninh mạng (GCI).

Có thể thấy, đề án chuyển đổi số quốc gia vô cùng quan trọng trong mọi mặt của kinh tế, xã hội mà nếu chậm chân chúng ta sẽ trở thành người thua cuộc bị bỏ lại phía sau. Chính vì vậy, hãy xây dựng một chiến lược rõ ràng và bắt tay vào công cuộc chuyển đổi số ngay từ hôm nay.

IV. Chuyển đổi số trong cơ quan nhà nước là gì?

Chuyển đổi số trong cơ quan nhà nước là hoạt động phát triển chính phủ số của các cơ quan trung ương và tương ứng với đó là hoạt động phát triển chính quyền số, đô thị thông minh của các cơ quan chính quyền các cấp ở địa phương.

Chuyển đổi số trong cơ quan nhà nước tập trung vào phát triển hạ tầng số phục vụ các cơ quan nhà nước một cách tập trung, thông suốt; tạo lập dữ liệu về kinh tế – xã hội phục vụ ra quyết định chính sách; tạo lập dữ liệu mở dễ dàng truy cập, sử dụng, tăng cường công khai, minh bạch, phòng, chống tham nhũng, thúc đẩy phát triển các dịch vụ số trong nền kinh tế; cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao, cả trên thiết bị di động để người dân, doanh nghiệp có trải nghiệm tốt nhất về dịch vụ, nhanh chóng, chính xác, không giấy tờ, giảm chi phí.

Chính phủ số bản chất là chính phủ điện tử, bổ sung những thay đổi về cách tiếp cận, cách triển khai mới nhờ vào sự phát triển của công nghệ số. Vì vậy, khi nói phát triển chính phủ số chính là nói phát triển chính phủ điện tử, chính phủ số đã bao hàm chính phủ điện tử.

1. Chính phủ điện tử là gì?

Chính phủ điện tử là chính phủ ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn. Hay nói một cách khác, đây là quá trình tin học hóa các hoạt động của chính phủ.

Hiểu hơn về Chính phủ điện tử

Chính phủ điện tử, hiểu một cách đơn giản, là “bốn Không” bao gồm:

  • Có khả năng họp không gặp mặt
  • Xử lý văn bản không giấy
  • Giải quyết thủ tục hành chính không tiếp xúc
  • Thanh toán không dùng tiền mặt.

2. Chuyển đổi số của chính phủ là gì?

Chính phủ số là chính phủ có toàn bộ hoạt động an toàn trên môi trường số, có mô hình hoạt động được thiết kế lại và vận hành dựa trên dữ liệu và công nghệ số, để có khả năng cung cấp dịch vụ chất lượng hơn, đưa ra quyết định kịp thời hơn, ban hành chính sách tốt hơn, sử dụng nguồn lực tối ưu hơn, kiến tạo phát triển, dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia, giải quyết hiệu quả những vấn đề lớn trong phát triển và quản lý kinh tế – xã hội. Hay nói một cách khác, đây là quá trình chuyển đổi số của chính phủ.

Hiểu hơn về Chính phủ số

Chính phủ số là chính phủ điện tử, thêm “bốn Có” bao gồm:

  • Có toàn bộ hoạt động an toàn trên môi trường số
  • Có khả năng cung cấp dịch vụ mới nhanh chóng
  • Có khả năng sử dụng nguồn lực tối ưu
  • Có khả năng kiến tạo phát triển, dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia, giải quyết hiệu quả những vấn đề lớn trong phát triển và quản lý kinh tế – xã hội.

3. Điểm khác nhau giữa chính phủ điện tử và chính phủ số là gì?

Chính phủ điện tử là chính phủ tin học hóa quy trình đã có, cung cấp trực tuyến các dịch vụ hành chính công đã có. Chính phủ số là chính phủ chuyển đổi số, đổi mới mô hình hoạt động, thay đổi quy trình làm việc, thay đổi cách thức cung cấp dịch vụ, nhanh chóng cung cấp dịch vụ công mới.

Một trong những thước đo chính của chính phủ điện tử là số lượng dịch vụ hành chính công trực tuyến. Còn một trong những thước đo chính của chính phủ số là số lượng dịch vụ hành chính công giảm đi, số lượng dịch vụ công mới, mang tính sáng tạo phục vụ xã hội tăng lên, nhờ công nghệ số và dữ liệu.

V. Đề án chuyển đổi số chính phủ: Chính phủ số và Chính quyền số

Trong chính phủ điện tử, cơ quan chính quyền cung cấp các dịch vụ trực tuyến, chẳng hạn như một công dân khi sinh ra thì có dịch vụ đăng ký khai sinh, khi đến tuổi trưởng thành thì chủ động đi đăng ký dịch vụ cấp thẻ căn cước công dân hay dịch vụ cấp hộ chiếu. Người dân phải thực hiện nhiều thủ tục hành chính, mỗi lần thực hiện lại phải điền dữ liệu từ đầu, mặc dù đã từng cung cấp trước đó. Còn trong chính phủ số, khi dữ liệu được chia sẻ giữa các cơ quan khác nhau và trong trọn vẹn vòng đời, người dân chỉ cần cung cấp thông tin một lần cho một cơ quan nhà nước, khi sinh ra được cấp một mã định danh duy nhất, khi đến tuổi trưởng thành tự động được nhận thẻ căn cước công dân.

1. Chính quyền số là gì?

Chính quyền số là chính phủ số được triển khai tại các cấp chính quyền địa phương (cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã).

2. Mối quan hệ giữa đô thị thông minh và chính quyền số?

Ở cấp quốc gia, quốc gia thông minh gồm ba thành phần là chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Ở cấp địa phương, đô thị thông minh cũng gồm ba thành phần tương ứng là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số trong phạm vi địa lý của đô thị đó.

3. Tại sao phải phát triển chính phủ số?

Chính phủ số giúp chính phủ hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn, minh bạch hơn, hạn chế tham nhũng, kiến tạo sự phát triển cho xã hội. Ví dụ, việc chuyển hoạt động của chính phủ lên môi trường số bao hàm cả việc chuyển hoạt động thanh tra, kiểm tra của cơ quan nhà nước lên môi trường số. Thay vì tiến hành kiểm tra trực tiếp tại doanh nghiệp theo cách truyền thống, cơ quan chức năng thực hiện thanh tra trực tuyến, thông qua các hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu được kết nối. Mục tiêu đặt ra đến năm 2025, 50% hoạt động kiểm tra của cơ quan nhà nước thực hiện từ xa trên môi trường số. Còn tỷ lệ này năm 2030 là 70%.

4. Tại sao cần phân biệt khái niệm chính phủ điện tử và chính phủ số?

Có phân biệt khái niệm tường minh thì mới có nhận thức đúng đắn, có nhận thức đúng đắn thì mới có hành động đúng đắn. Việc phân biệt ra các mức độ phát triển, là chính phủ điện tử và chính phủ số, không có nghĩa là làm tuần tự, làm xong chính phủ điện tử rồi mới làm chính phủ số.

Quá trình phát triển chính phủ điện tử đã diễn ra từ nhiều năm nay, và sẽ cơ bản được hoàn thành vào năm 2021-2022 với mục tiêu 100% dịch vụ công của các bộ, ngành, địa phương đủ điều kiện được đưa lên mức độ 4. Với việc ban hành Chiến lược phát triển chính phủ điện tử, hướng tới chính phủ số giai đoạn 2021-2025 định hướng đến năm 2030, Việt Nam đã bắt đầu khởi động quá trình phát triển chính phủ số, thực hiện song song với quá trình phát triển chính phủ điện tử.

Phát triển chính phủ số là sự thay đổi nhận thức, từ đó thay đổi cách làm. Trước đây làm chính phủ điện tử thì chỉ nghĩ đến việc tin học hóa, cung cấp dịch vụ hành chính công trực tuyến. Hiện nay làm chính phủ số thì phải nghĩ đến đưa mọi hoạt động của chính phủ, ví dụ hoạt động thanh tra, lên môi trường số. Trước đây làm chính phủ điện tử thì chỉ nghĩ đến việc đầu tư hệ thống thông tin, số hóa từng quy trình, 10 năm mới đưa được 10% dịch vụ công trực tuyến lên mức độ 4. Hiện nay làm chính phủ số thì nghĩ đến việc sử dụng nền tảng, số hóa toàn bộ, trong 3 tháng đưa 100% dịch vụ công trực tuyến lên mức độ 4 với chi phí thấp hơn.

5. Quốc gia nào đã thành công trong phát triển chính phủ số?

Ở châu Âu, Đan Mạch và Estonia là 2 trong số những nước thành công nhất. 100% dịch vụ số với 90% người dân nước này sử dụng, đạt mức độ phổ cập rất cao.

Ở châu Á, một số quốc gia như Hàn Quốc, Singapore cũng khá thành công. Đăng ký thành lập một doanh nghiệp mới thực hiện trực tuyến qua mạng có thể được hoàn tất trong 15 phút. Thời gian thông quan hàng hóa ngắn nhất trong khu vực. Chính phủ Singapore được đánh giá là minh bạch, chỉ số tham nhũng thuộc loại thấp nhất trên thế giới.

6. Thách thức lớn nhất trong phát triển chính phủ số là gì?

Chính phủ số xử lý văn bản không giấy, họp không gặp mặt, xử lý thủ tục hành chính không tiếp xúc và thanh toán không dùng tiền mặt. Đây là sự thay đổi.

Đối với mỗi cơ quan, tổ chức, sự thay đổi chỉ có thể bắt đầu từ người đứng đầu. Thách thức lớn nhất cho cơ quan nhà nước là nhận thức và sự vào cuộc thực sự của người đứng đầu, là chuyện dám làm hay không dám làm. Đối với mỗi người dân, sự thay đổi đòi hỏi thay đổi kỹ năng và thói quen. Thách thức lớn nhất cho xã hội trước mắt là kỹ năng số của người dân, sau đó là thói quen và văn hóa sống trong môi trường số. Đối với mỗi doanh nghiệp, sự thay đổi đòi hỏi phải triển khai các giải pháp công nghệ số, có những việc hoàn toàn mới, chưa có tiền lệ. Thách thức lớn nhất cho doanh nghiệp là môi trường pháp lý để triển khai.

7. Rủi ro gặp phải khi phát triển chính phủ số là gì?

Đối với cả quốc gia, rủi ro lớn nhất là mất chủ quyền số quốc gia. Khi chính phủ chuyển nhiều hoạt động của mình lên môi trường số, nghĩa là, vấn đề an toàn, an ninh mạng là vấn đề sống còn. Đối với mỗi cá nhân, rủi ro lớn nhất là lộ lọt dữ liệu cá nhân và quyền riêng tư.

8. Chính phủ số phục vụ những ai?

Nếu như trước đây, thông thường, phát triển chính phủ điện tử đặt ra mục tiêu chính là phục vụ người dân, doanh nghiệp và xã hội tốt hơn. Trong giai đoạn sắp tới, chính phủ số còn đặt mục tiêu trang bị công cụ làm việc mới để cán bộ, công chức, viên chức có thể thực hiện tốt nhất nhiệm vụ của mình, đó là trợ lý ảo hay những nền tảng làm việc, cộng tác trên môi trường số.

Giá trị to lớn mà chuyển đổi số mang lại cho Cơ quan nhà nước và Chính phủ. Chuyển đổi số trong cơ quan nhà nước và Chính phủ đem lại rất nhiều lợi ích hiện hữu. Giúp cải thiện hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên, và tạo tính minh bạch trong hoạt động. Đối với người dân và doanh nghiệp sẽ có dịch vụ trực tuyến thuận tiện hơn. Tương tác và an ninh thông tin cũng được nâng cao. Chuyển đổi số còn giúp định hình chính sách thông qua dữ liệu. Tóm lại, việc chuyển đổi số quốc gia thúc đẩy sự phát triển bền vững của quốc gia.

Đăng nhập để viết bình luận